Khi những ngày khai giảng đã đến cận kề, tất cả những phụ huynh có con đến tuổi đi học đều lo lắng, đặc biệt là những bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ. Trong bài viết này, Tuệ Quang sẽ giúp các bậc cha mẹ xem xét và phần nào có được câu trả lời cho câu hỏi “Liệu năm nay con tôi có thể học Tiểu học được không?”
1. Những hành vi
Các hành vi cũng như dấu hiệu bất thường là rào cản chung của tất cả những trẻ tự kỷ trong quá trình sinh hoạt cũng như giao tiếp xã hội, hòa nhập cộng đồng. Tuy vậy, gia đình đừng nên quá lo lắng với một vài hành vi hiến khi xuất hiện, không dữ dội và không quá thường xuyên hoặc một số biểu hiện được coi là tính cách của trẻ.
Các bậc phụ huynh nên xem xét kỹ các hành vi của con trước khi đưa trẻ đi học và chắc chắn rằng:
- Con có thể ngồi ngoan trên bàn đủ một tiết học (45 phút)
Cha mẹ có thể kiểm chứng điều này dựa trên những giờ học trên bàn tại nhà - Con sẽ kiềm chế được cảm xúc và hành vi của mình, không quá giận dữ hay quá phấn khích
- Con không trở thành học sinh “quấy phá”
Các phụ huynh đừng lo lắng việc con có học bài được hay không mà trước hết hãy đảm bảo con biết cư xử đúng mực, không có hành vi quá khích (ví dụ như cào cấu các bạn)
2. ĐỦ kỹ năng cần thiết
Trẻ cần được trang bị và tập luyện những kỹ năng cần thiết cho việc tự sinh hoạt và học tập tại trường cả ngày (hoặc nửa ngày) mà không có người chăm sóc. Việc trang bị kỹ năng cần phải được dạy trong khoảng thời gian dài, đủ để con hình thành một thói quen và tính tự giác, không cần phải nhắc nhở hoặc giám sát.
Các kỹ năng trẻ cần phải có để có thể đi học tiểu học:
- Tự chăm sóc bản thân
Trẻ cần biết cách đi vệ sinh, rửa tay, vệ sinh thân thể, tự xúc ăn… - Làm theo hướng dẫn, mệnh lệnh
Trẻ phải có khả năng nghe hiểu lệnh và hiểu hướng dẫn để có thể hoàn thành cơ bản những hoạt động và bài tập trên lớp. Các cha mẹ nên lưu tâm rằng, hầu hết những hướng dẫn của giáo viên trên lớp chỉ được đưa ra một vài lần, với mức âm lượng thông thường và là các lệnh phức tạp. Vì thế, trong giai đoạn chuẩn bị đưa trẻ tới trường, cha mẹ cần đưa ra câu lệnh giúp con có khả năng nghe hiểu lệnh phức trong môi trường “loãng” như trong sân chơi, ngoài đường. - Chủ động bắt chước, làm theo thầy cô và các bạn
Để có thể hòa nhập, việc làm theo người khác là một trong những kỹ năng vô cùng thiết yếu. Kỹ năng này cũng góp phần giúp con biết cách quan sát xung quanh và kiềm chế bản thân. Ví dụ: Xếp hàng, đứng dậy chào cô theo các bạn, chỉ ra chơi khi cả lớp được ra chơi… - Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng này giúp con không chỉ trao đổi, nói chuyện với các bạn mà còn giúp con có thể đưa ra được những dấu hiệu khi cần sự trợ giúp. Cha mẹ hãy yên tâm rằng các giáo viên Tiểu học sẽ hỗ trợ con nếu con có thể nói được con cần gì, gặp vấn đề gì. Nhưng nếu con chỉ biết loay hoay hoặc chỉ biết khóc khi thấy khó chịu, đói, khát hoặc bị ai đó trêu chọc thì hiện tại là thời điểm quá sớm để cho con vào Tiểu học.
3. Khả năng học tập
Nếu những kỹ năng tự phục vụ bản thân, làm theo mệnh lệnh sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập thì khả năng học tập lại là vấn đề quyết định xem trẻ có thể học trong môi trường lớp học trong thời gian dài hay không.
Những kiến thức cha mẹ cần phải chuẩn bị cho con:
- Khả năng ghi nhớ, tư duy logic và tưởng tượng
Đây là những kỹ năng khó, các cha mẹ cần phải dành một thời gian rất dài để giúp trẻ có khả năng này. - Khả năng về số học
Con cần phải biết mặt số, có khải niệm về lượng (ví dụ: đưa số 3 phải nhặt được đúng 3 viên bi), hiểu được các phép toán cộng, trừ trong thực tế. - Khả năng về ngôn ngữ
Con có thể hiểu được một mẩu truyện ngắn (con phải biết chờ đợi và nghe hiểu tốt), có thể giao tiếp để cho người khác hiểu.
4. Tư tưởng của cha mẹ và gia đình
Trong phần này, Tuệ Quang sẽ không đề cập tới việc con cần được chuẩn bị những gì mà sẽ nói tới “hành trang” về mặt tấm lý cho các bậc phụ huynh và gia đình có trẻ tự kỷ đang bước vào độ tuổi đi học.
- Nhận thức những tác hại nếu cố đưa con tới trường khi con chưa sẵn sàng
Cả phụ huynh và trẻ đều sẽ bị stress nặng nề nếu gia đình cố gắng đưa các con đi lớp khi chư addur kỹ năng cần thiết. Trẻ sẽ không thể tiếp thu kiến thức, giáo viên, nhà trường và các phụ huynh có con học cùng lớp sẽ bị làm phiền khi trẻ phá phách, v.v… Nhưng hơn cả, con sẽ bị ám ảnh và có tâm lý sợ hãi về việc tới trường. Trẻ có thể mất khả năng và cơ hội đi học chỉ vì nỗi sợ này, dù con đã được trang bị kỹ năng đầy đủ. - Đưa ra quyết định đúng đắn thay vì vội vã “chạy đua” theo các phụ huynh khác
Tuệ Quang luôn thấu hiểu nỗi lo lắng khi những đứa trẻ cùng tuổi trong khu phố nơi bạn ở rộn rã chuẩn bị giấy viết cho trẻ tới trường. Tuy nhiên, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng nếu trẻ không đáp ứng được tất cả những yêu cầu, kỹ năng và kiến thức nêu trên. Hãy luôn ghi nhớ rằng: Con có thể học chậm 1 năm vẫn tốt hơn là đưa con đi học đúng tuổi để con bị stress và sợ học. - Không đặt nặng vấn đề học tập và điểm số
Đặc biệt với trẻ tự kỷ, thành công trong việc dạy con là con có thể chơi với các bạn, ngồi học ngoan, biết nghe lời và gia đình có thể yên tâm khi để trẻ tại trường chứ không phải điểm số hay việc con học giỏi hay kém. Đặt nặng vấn đề học tập sẽ gây ra áp lực cho cả cha mẹ lẫn các con, khiến con sợ học trong khi mục đích chính của chúng ta chỉ là giúp con hòa nhập cộng đồng. - Con ở trường “ổn” không có nghĩa là chúng ta ngừng theo sát và dạy dỗ
Việc dạy học và duy trì các bài tập phục hồi chức năng tại nhà phải luôn được đảm bảo bởi con sẽ quên những kỹ năng không được ôn luyện. Ngoài ra, cha mẹ nên giúp con hoàn thành những bài tập trên lớp. Việc bị cô giáo phạt, la mắng trên lớp được Tuệ Quang coi là nguyên nhân hàng đầu khiến việc đưa trẻ đi học “thất bại”. - Luôn trao đổi với giáo viên
Hãy luôn cố gắng dành thời gian liên lạc, gặp mặt và trao đổi với giáo viên. Bởi trong môi trường lớp học, trẻ sẽ bộc lộ và biểu hiện khác hẳn so với lúc học tại nhà. ĐIều này giúp cha mẹ kiểm soát và điều chỉnh các hành vi của con cũng như trau dồi thêm kỹ năng cho trẻ. - Lựa chọn trường, chọn lớp, chọn giáo viên
Hiện nay có rất nhiều trường chuyên biệt hay những lớp học đặc biệt được các trường công lập mở ra dành riêng cho đối tượng trẻ tự kỷ. Tuy vậy, “gần mực thì đen”, hãy luôn lựa chọn những lớp thông thường (nhưng cũng đừng nên đưa con vào lớp “chọn”), với những giáo viên có kinh nghiệm để gửi gắm. Các gia đình hãy nhớ rằng, đối với một nhà giáo có kinh nghiệm, con của bạn không phải là đứa trẻ mắc tự kỷ đầu tiên mà họ gặp được. Vậy nên, đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ của giáo viên trên lớp.
Chúc các cha mẹ luôn là người thầy cô, người bạn đồng hành sáng suốt của các con!
Tuệ Quang luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ gia đình qua Facebook Tuệ Quang và Email: [email protected].
Hình ảnh trong bài viết được cung cấp bởi TuoiTre.vn – Ảnh: Mỹ Dung.