Những ngày Tết đang đến cận kề, giữa nhiều bộn bề công việc, các bậc phụ huynh vẫn nên dành thời gian để giúp con có thêm thông tin về ngày Tết. Những hoạt động, thông tin và kỹ năng tương ứng nên được chuẩn bị trước để trẻ không bỡ ngỡ.
Trong loạt bài viết Dạy trẻ về chủ đề Tết, Tuệ Quang sẽ giúp các cha mẹ chuẩn bị những nội dung dạy và học một cách linh hoạt. Những kiến thức và kỹ năng có thể dễ dàng dạy ngay trong những hoạt động thường ngày mà không cần nhiều thời gian ngồi học trên bàn.
Tết là gì?
Nói tới khái niệm thế nào là Tết, hẳn nhiều phụ huynh sẽ tốn một chút thời gian để suy nghĩ một định nghĩa phù hợp với con trẻ. Tuệ Quang khuyên các bậc cha mẹ nên chọn ra những hoạt động đặc trưng mà con sẽ phải làm trong ngày Tết để vừa giúp trẻ hiểu, vừa luyện nhớ những điều cần làm.
Ví dụ:
Tết là có hoa đào nở và có cây quất( tắc) quả chín vàng;
Tết bé được đi chơi, chúc Tết ông bà và được nhận lì xì;
Ngày Tết bé được nghỉ học, người lớn không phải đi làm…
Luôn bắt đầu từ những đặc trưng của Tết
Tùy theo từng vùng miền, phong tục mà Tết có những hoạt động, đồ vật, món ăn khác nhau. Các cha mẹ nên nạp thông tin cho trẻ trước ít nhất 1 tuần để con không bị bỡ ngỡ và không có những hành vi phản kháng tiêu cực nhé!
Sau đây là một số các gợi ý nạp thông tin bằng thẻ Flashcard của một số đồ vật đặc trưng, thông dụng thường thấy trong ngày Tết:
Cây quất (tắc):
- Có nhiều trái, mang ý nghĩa cầu mong gia đình giàu có; nhiều tiền
- Là loại cây trồng ăn quả/trái (không nên dùng các từ có nghĩa bóng hoặc trừu tương sẽ khó giải thích cho trẻ)
- Quả quất/trái tắc có vị chua, có nhiều nước
Cây đào:
- Hoa màu hồng; Có ở Miền Bắc; Hoa đào nở có ý nghĩa: gia đình vui vẻ quanh năm
- Hoa đào để trang trí trong nhà hoặc cắm trên bàn thờ
- Hoa đào mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Cây mai:
- Hoa màu vàng; Có ở Miền Nam; Hoa mai nở có ý nghĩa:chúc gia đình hạnh phúc/vui vẻ; giàu có
- Hoa mai thích hợp với khí hậu nóng, mưa nhiều.
- mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc
- Hoa mai để trang trí cho đẹp nhà.
Bao lì xì:
- Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng
- màu của niềm hy vọng và sự may mắn
- lời chúc mong muốn sự hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất
- là món quà có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc
- thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc.
- Ai ngoan sẽ được nhận nhiều bao lixi vào ngày Tết.
Mâm ngũ Quả:
- Được bày trên bàn thờ để cúng cụ;
- Mâm ngũ quả có nhiều loại quả ( kể tên 3-6 loại quả tùy từng độ tuổi);
- Ngày Tết nhà nào cũng có mâm ngũ quả để tạo cho không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp trong ngày Tết
- Quả Lê: Vị ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Quả Lựu: Nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Quả Đào: Thể hiện sự thăng tiến.
- Mai: hạnh phúc, không cô đơn.
- Quả phật thủ: Giống như bàn tay đức Phật, luôn chở che cho các số phận con người.
- Táo: Có nghĩa là phú quý.
- Hồng, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.
- Thanh long (rồng mây hội tụ): Thể hiện sự phát tài phát lộc.
- Bưởi, dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
- Nải chuối xanh như bàn tay ngửa: Hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.
- Quả trứng gà (hay Lê-ki-ma) như hình đào tiên: Lộc trời.
- Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc.
- Đu đủ mang đến sự thịnh vượng đủ đầy.
- Xoài có âm na ná như “xài”, cầu mong năm mới có nhiều tiền.
Bánh chưng:
- Thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở
- Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong
- là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt
Pháo hoa:
- Chào đón năm mới đẹp như hoa
- Tiễn năm cũ và chào đón năm mới
Trong các bài viết tiếp theo, Tuệ Quang sẽ tiếp tục đưa ra các gợi ý dạy và học cho trẻ theo từng lứa tuổi. Các cha mẹ hãy theo dõi Facebook Trung tâm Tuệ Quang để cập nhật thông tin mới nhất.