Câu hỏi: Con 4,5 tuổi, đã nhận biết được mặt số từ 1-20, đọc và chỉ đúng cả xuôi và ngược nhưng khi hỏi số nào lớn hơn/bé hơn không biết; khi chỉ số 2 yêu cầu giơ số ngón tay bằng số này hoặc lấy số viên bi bằng số này con đều không làm được. Nguyên nhân tại sao? Cần phải hướng dẫn con học số như thế nào?
Việc nhận biết mặt số theo tiêu chuẩn giáo dục mầm non hiện nay cụ thể như sau:
- Trẻ 3-4: nhận biết mặt số trong phạm vi 5; Nhận biết 1 và nhiều, gộp 2 nhóm đối tượng và đếm.
- Trẻ 4-5 tuổi: Nhận biết số và lượng trong phạm vi 10, đếm theo khả năng; Nhận biết chữ số, số và lượng trong phạm vi 5; Tách 1 nhóm đối tượng thành các nhóm nhỏ hoặc gộp 2 nhóm đối tượng.
- Trẻ 5-6 tuổi: Đếm trong phạm vi 10 và đếm theo khả năng; Nhận biết các chữ số và số thứ tự trong phạm vi 10 (số đứng trước, đứng sau; số liền trước, liền sau…); Gộp các nhóm đối tượng và đếm; Tách 1 nhóm thành 2 nhóm nhỏ bằng các cách khác nhau.
Con 4,5 tuổi đã nhận biết được mặt số trong phạm vi 20 nghĩa là: con thích số và gia đình, cô giáo đã chú tâm vào việc hướng dẫn, hỗ trợ con biết đọc mặt số, nhớ số. Tuy nhiên, do bỏ qua bước quan trọng là lượng-số, ghép số đã học tương ứng với nhóm đồ vật, đồ chơi để con hiểu rõ bản chất của chữ số cùng với việc nạp thông tin cơ bản về các con số (lớn – nhỏ, nhiều – ít, đứng trước – đứng sau…) nên con mới chỉ thuộc mặt số, nhận biết mặt số theo dạng chụp hình chứ chưa hiểu rõ bản chất của từng con số.
Mẹ hãy giúp con hiểu rõ bản chất các chữ số thông qua các trò chơi và bắt đầu phần lượng – số, cộng – trừ trong phạm vi 3-5 và khi con đã thực hiện đúng các yêu cầu thì tăng lên đến phạm vi 10.
Ví dụ1: Chơi tung xúc xắc (6 mặt tương ứng với các số từ 1-6), con tung được mặt nào thì được phép lấy số viên bi (số miếng bánh/bimbim; số que tính..) tương ứng với chữ số thể hiện tại mặt xúc xắc đó.
Ví dụ 2: Hai mẹ con luân phiên tung xúc xắc/hoặc quay rổ bóng có dán các chữ số bắt vào số nào được phép lấy số bông hoa/cái lá/ngôi sao… tương ứng rồi sau 1-2 lần chơi sẽ cùng nhau đếm xem ai nhiều hơn, ai ít hơn hoặc/và cùng con tìm những con số tương ứng với kết quả đó được cất giấu trong phòng/góc phòng.
Việc hướng dẫn làm quen với toán không chỉ là dạy đọc và nhận biết mặt số còn cần dạy đồng thời với nhận thức về bản chất của con số nghĩa là dạy: nhiều – ít (nếu con 3-4 tuổi); dạy đứng trước – đứng sau; nhiều nhất – ít nhất; số này thêm vào 1 sẽ thành số kia (gộp) hay số này trừ 1 sẽ ra số kia (tách)…
Trong mọi hoạt động thường nhật bất cứ khi nào con có cơ hội nhìn, đọc và nhận biết các con số hãy tạo tình huống để giúp con hiểu rõ hơn bản chất của chữ số.
Ví dụ: Đọc biển số xe, phân biệt số và chữ; đếm các số giống nhau, chỉ số nào bé nhất, số nào lớn nhất…